Chuẩn mực kế toán số 12 - Hàng tồn kho được ban hành kèm theo Quyết định số 1676/QĐ-BTC ngày 01/09/2021 của Bộ Tài chính.
Mục lục bài viết
ẨnChuẩn mực kế toán công Việt Nam số 12 quy định và hướng dẫn các nguyên tắc và phương pháp kế toán hàng tồn kho, từ đó làm cơ sở ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính. Trong bài viết dưới đây, mời các bạn cùng Kế toán Trường Thành tìm hiểu chi tiết nội dung của chuẩn mực kế toán hàng tồn kho.
Hàng tồn kho là gì?
Hàng tồn kho là những tài sản:
- Có hình thái là nguyên vật liệu hoặc công cụ, dụng cụ tiêu hao trong quá trình sản xuất;
- Có hình thái là nguyên vật liệu hoặc công cụ, dụng cụ tiêu hao hoặc được phân phối trong quá trình cung cấp dịch vụ;
- Được nắm giữ để bán hoặc phân phối trong một chu kỳ hoạt động bình thường;
- Đang trong quá trình sản xuất để bán hoặc để phân phối.
Hàng tồn kho bao gồm:
- Hàng được mua và nắm giữ để bán lại;
- Thành phẩm hoặc sản phẩm dở dang đơn vị đang sản xuất;
- Nguyên vật liệu và công cụ, dụng cụ chuẩn bị sử dụng trong quá trình sản xuất;
- Hàng hóa do đơn vị mua hoặc sản xuất ra để phân phối miễn phí hoặc ở mức giá danh nghĩa cho đơn vị khác;
- Chi phí dịch vụ dở dang.
>>Xem thêm: Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Xác định giá trị hàng tồn kho
Hàng tồn kho được xác định theo giá thấp hơn giữa giá gốc và giá trị thuần có thể thực hiện được. Trong đó:
Giá gốc hàng tồn kho
Giá gốc hàng tồn kho bao gồm tất cả chi phí mua, chi phí chế biến và các chi phí khác phát sinh để có được hàng tồn kho tại địa điểm và trạng thái hiện tại.
(1) Chi phí mua
Chi phí mua hàng tồn kho bao gồm: giá mua, thuế nhập khẩu và các loại thuế khác (trừ các loại thuế sau đó được ngân sách nhà nước hoàn lại), chi phí vận chuyển, bốc dỡ và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc có được thành phẩm, nguyên liệu, và công cụ dụng cụ.
(2) Chi phí chế biến
Chi phí chế biến để chuyển hàng tồn kho dở dang thành hàng tồn kho thành phẩm phát sinh tại các đơn vị có hoạt động sản xuất.
(3) Chi phí khác
Các chi phí khác được tính vào giá gốc của hàng tồn kho trong trường hợp chi phí phát sinh để đưa hàng tồn kho đến địa điểm và trạng thái hiện tại. Ví dụ như: chi phí chung ngoài sản xuất. chi phí thiết kế sản phẩm cho những khách hàng cụ thể,...
Giá trị thuần có thể thực hiện được
Giá trị thuần có thể thực hiện được là giá bán ước tính trong điều kiện hoạt động bình thường trừ đi chi phí ước tính để hoàn thành sản phẩm và chi phí ước tính cần thiết cho việc bán, trao đổi hoặc phân phối chúng.
Hàng tồn kho được ghi giảm xuống cho bằng với giá trị thuần có thể thực hiện được thường được thực hiện theo từng loại hàng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, đơn vị có thể thực hiện việc ghi giảm cho cả nhóm hàng tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau. Trường hợp này được áp dụng với các loại hàng tồn kho có chung mục đích và công năng sử dụng cuối cùng; không được đánh giá riêng giá trị với các loại hàng khác trong cùng một dòng sản phẩm.
Khi ước tính giá trị thuần có thể thực hiện được, đơn vị phải tính đến mục đích nắm giữ hàng tồn kho. Ví dụ, giá trị thuần có thể thực hiện được của một lượng hàng tồn kho được nắm giữ để bán hoặc cung cấp dịch vụ theo hợp đồng phải dựa trên giá bán đã quy định trong hợp đồng.
Nguyên vật liệu và công cụ dụng cụ nắm giữ để sử dụng trong sản xuất sản phẩm không được ghi giảm giá trị xuống thấp hơn giá gốc nếu sản phẩm do chúng góp phần cấu thành được bán, trao đổi hoặc phân phối bằng hoặc cao hơn giá thành của sản phẩm đó. Tuy nhiên, khi có sự giảm giá của nguyên vật liệu dẫn đến giá thành của sản phẩm sản xuất ra cao hơn giá trị thuần có thể thực hiện được thì các nguyên vật liệu này phải được ghi giảm giá trị xuống giá trị thuần có thể thực hiện được. Trong trường hợp này, sử dụng chi phí thay thế hiện hành của nguyên vật liệu có thể là phương pháp tốt nhất để xác định giá trị thuần có thể thực hiện được.
Ghi nhận chi phí
- Khi hàng tồn kho được bán, trao đổi hoặc phân phối thì giá trị ghi sổ của hàng tồn kho được ghi nhận là chi phí trong kỳ mà doanh thu liên quan được ghi nhận. Nếu không phát sinh doanh thu liên quan thì chi phí được ghi nhận khi hàng hóa được phân phối hoặc khi dịch vụ có liên quan được cung cấp.
Giá trị ghi giảm hàng tồn kho và bất kỳ tổn thất nào của hàng tồn kho được ghi nhận là chi phí trong kỳ khi khoản ghi giảm hoặc tổn thất phát sinh. Số hoàn nhập của khoản ghi giảm giá trị hàng tồn kho sẽ được ghi nhận là khoản giảm trừ chi phí trong kỳ khi phát sinh hoàn nhập.
- Đối với đơn vị cung cấp dịch vụ, thời điểm hàng tồn kho được ghi nhận vào chi phí thường xảy ra khi dịch vụ đã được cung cấp hoặc xuất hóa đơn tính phí dịch vụ.
- Một số loại hàng tồn kho có thể được phân bổ vào các tài sản khác, ví dụ như: hàng tồn kho được sử dụng như một bộ phận của bất động sản, nhà xưởng và thiết bị tự chế. Hàng tồn kho được phân bổ vào các tài sản khác theo cách này được ghi nhận vào chi phí trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của tài sản đó.
Hướng dẫn lập báo cáo tài chính liên quan đến hàng tồn kho
Báo cáo tài chính phải trình bày các thông tin sau:
- Chính sách kế toán áp dụng trong việc xác định giá trị hàng tồn kho, bao gồm cả phương pháp tính giá được sử dụng;
- Tổng giá trị ghi sổ hàng tồn kho và giá trị ghi sổ của từng loại hàng tồn kho được phân loại phù hợp với đơn vị;
- Giá trị ghi sổ của hàng tồn kho xác định theo giá trị hợp lý trừ chi phí bán hàng;
- Giá trị hàng tồn kho được ghi nhận vào chi phí trong kỳ;
- Giá trị của các khoản ghi giảm hàng tồn kho được ghi nhận vào chi phí trong kỳ;
- Giá trị hoàn nhập của các khoản ghi giảm hàng tồn kho được ghi nhận trong báo cáo kết quả hoạt động trong kỳ;
- Các trường hợp hoặc sự kiện dẫn đến việc hoàn nhập khoản ghi giảm hàng tồn kho;
- Giá trị ghi sổ của hàng tồn kho được thế chấp bảo đảm cho các khoản nợ phải trả.
>>>Có thể bạn quan tâm: Dịch vụ làm báo cáo tài chính năm
Lời kết
Trên đây là quy định liên quan đến chuẩn mực kế toán số 12 - Hàng tồn kho. Nếu có bất cứ thắc mắc nào cần được giải đáp, các bạn vui lòng liên hệ Trường Thành theo địa chỉ dưới đây để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời nhất!
Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn Trường Thành
Địa chỉ: No01 LK65 Khu đất dịch vụ 16 17 18a 18b Dương Nội - Hà Đông - Hà Nội
Số điện thoại: 090 328 45 68
Email: ketoantruongthanh68@gmail.com
Website: https://ketoantruongthanh.vn/